Những quyền riêng tư nào của trẻ em được pháp luật bảo vệ?
Ngày đăng: 17/06/2019  14:11
Mặc định Cỡ chữ
(Theo VnExpress) Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/6 quy định trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.

Quyền riêng tư là một trong những quyền con người, quyền công dân cơ bản được pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia công nhận và bảo vệ. Quyền riêng tư đối với trẻ em lại càng được đặc biệt chú trọng vì trẻ em “nhóm yếu thế”, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, thể chất để có thể tự bảo vệ mình trước các hành vi tác động, xâm hại đến mình.

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm quan tâm đến việc bảo vệ quyền trẻ em, là nước đầu tiên của Châu Á và là nước thứ hai thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.

Theo Hiến pháp năm 2013, trẻ em (người dưới 16 tuổi) được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em (khoản 1 Điều 37).

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác (khoản 1, khoản 2 Điều 38).

Luật Trẻ em năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, cũng quy định trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư (Điều 21).

Khoản 2 Điều 54 Luật này quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật”.

Theo Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016, hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm.

Điều 16 Công ước về quyền trẻ em cũng quy định: Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em; trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy.

Ngày 9/5/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Điều 33 giải thích rõ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Như vậy, pháp luật, kể cả pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia, đã có khung pháp lý chặt chẽ để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.

Với các quy định trên, các bậc cha, mẹ, người thân thích của trẻ em cần phải lưu ý và thận trọng trong việc đăng tải hình ảnh, kết quả học tập,… của trẻ trên các trang mạng xã hội (chẳng hạn như Facebook,…) để tránh vi phạm các quy định của pháp luật.

Chế tài đối với hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em

Mặc dù quyền riêng tư của trẻ em đã được Hiến định và luật định rõ ràng và chặt chẽ. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền riêng tư của trẻ em lại rất dễ bị xâm phạm, đặc biệt là trên môi trường mạng với sự phát triển như vũ bão của Internet, mạng xã hội và các thiết bị thông minh…

Người thực hiện hành vi xâm phạm quyền riêng tư của trẻ đôi khi lại chính là người thân thích của trẻ, là cha, mẹ, anh, chị… Mặc dù có thể xuất phát từ tình yêu thương, hoàn toàn không cố ý nhưng vì chủ quan, không hiểu biết đầy đủ quy định của pháp luật nên đã thực hiện hành vi vi phạm đến quyền tư, bí mật cá nhân của trẻ em, đặc biệt là sự xâm phạm về hình ảnh cá nhân.

Về chế tài xử phạt

Hiện nay chưa có Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính về quyền trẻ em, trong đó có hành vi vi phạm về quyền riêng tư của trẻ em. Nghị định 144/2013/NĐ-CP hiện hành quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em không có quy định cụ thể về xử lý hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em.

Tuy vậy, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, có thể căn cứ vào những quy định pháp luật khác có liên quan để xử lý đối với hành vi xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em.

Chẳng hạn, đối với hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em trên môi trường mạng, có thể căn cứ vào Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP). Theo đó, đối với vi phạm về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp liên quan đến hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (điểm b khoản 2 Điều 64).

Đối với vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội liên quan đến hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Đối với vi phạm của thành viên gia đình tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình (trong đó có trẻ em) nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân thì bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm theo khoản 2 Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.

Ngoài ra, tùy tính chất, mức độ, hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác; tội làm nhục người khác… theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Theo luật, mọi hành vi vi phạm về quyền của trẻ em nói chung và quyền riêng tư của trẻ em nói riêng, nếu gây ra thiệt hại thì người thực hiện hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.

Luật sư Kiều Anh Vũ
Giám đốc Công ty KAV Lawyers, TP HCM